(Chinhphu.vn) – Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biến chủng mới Omicron, các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo tới người dân các giải pháp dự phòng cá nhân, trong đó có thông điệp 5K và tiêm vaccine.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Việt Nam cho biết, việc biến chủng mới Omicron xâm nhập vào Việt Nam không nằm ngoài dự báo. Biến chủng này có tốc độ lây rất nhanh, trên thế giới hiện đã ghi nhận tại hơn 100 nước. Ở Việt Nam, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc chủng này.
Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu cho rằng, chủng này vẫn có gốc từ SARS-CoV-2, vẫn lây truyền qua giọt bắn, lây theo đường hô hấp và vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần, trong môi trường kín tụ tập đông người, cũng như lây qua các vật dụng dùng chung. Vì vậy, các cơ quan chức năng và địa phương phải tiếp tục triển khai quyết liệt hơn các giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay để giảm được sự lây lan của dịch bệnh. Vị chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp dự phòng cá nhân, thông điệp 5K và tiêm vaccine, cũng như việc chuẩn bị hệ thống y tế trong trường hợp có số ca mắc có thể tăng cao, tránh bị động.
Khi dịp Tết Nguyên đán sắp tới gần, cùng với biến chủng mới Omicron, chủng Delta vẫn lây lan ở nước ta, do đó, các địa phương cần phải đánh giá nguy cơ dịch ở các cấp độ từ xã, phường trở lên, từ đó xây dựng các kịch bản từ cấp xã, phường, quận huyện, thành phố, tỉnh… “Làm sao đánh giá nguy cơ chính xác, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh việc đáp ứng không đến nơi đến chốn, thậm chí đáp ứng thái quá, gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội của người dân. Các địa phương cũng cần có kịch bản hướng dẫn hoạt động nào được phép, hoạt động nào phải dừng, hoạt động nào cần điều kiện an toàn. Từ đó, phải có kiểm tra giám sát, thậm chí xử phạt quyết liệt hơn để phòng chống dịch”, ông Trần Đắc Phu chia sẻ.
Đối với người dân, vị chuyên gia này nhấn mạnh việc thực hiện 5K, hạn chế đi lại, không tụ tập đông người, hạn chế đông người trong phòng kín; những người đã tiêm vaccine không được chủ quan khi thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến thời điểm hiện tại, giới khoa học đều chung nhận định, tốc độ lây lan của biến chủng Omicron rất nhanh. Khía cạnh độc lực của biến chủng mới vẫn còn đang gây tranh cãi.
Ông Nguyễn Huy Nga khuyến nghị, điều căn bản và dễ thực hiện nhất là người dân cần thực hiện tốt 5K, nhất là cần nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn liên tục, vì đây là những yếu tố then chốt để phòng ngừa lây nhiễm: “Kinh nghiệm thực tế cho thấy, người thực hiện tốt 5K thì ít có khả năng bị lây nhiễm. Ngoài việc tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5K, cần có các chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm, chẳng hạn tập trung đông người, không đeo khẩu trang”.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục giám sát sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng mới Omicron nói riêng. Bộ khuyến cáo người dân phải tuân thủ các biện pháp, phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng đầy đủ.
Tăng cường giám sát dịch tễ phát hiện sớm các biến chủng mới
Theo GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận nhiễm biến chủng Omicron là ca bệnh xâm nhập, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh. Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam còn có 165 người khác. Tất cả đều đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong số này chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 người ở địa phương khác. Bộ Y tế đã có công điện gửi các địa phương có người đi cùng chuyến bay để thực hiện quản lý theo quy định.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận ở nước ta hiện có sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Trước đó, để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng Omicron vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia này.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng các tình huống cụ thể, khả thi trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Sau khi làm việc với đại điện WHO tại Việt Nam về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới này.
Tại công điện, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng Omicron như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…) và một số quốc gia khu vực châu Âu; thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách lỵ, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch…
Công điện của Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bố vaccine, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 đối với biến thể Omicron (ngày 17/12).
Trước khi phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên, nhận định khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, tại Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng; khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.
Tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine…