Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu, là bệnh mạn tính, không thể chữa lành. Việt Nam có đến 55% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.
Tình hình kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức, chỉ có hơn 31% người đái tháo đường được chẩn đoán; và trong số bệnh nhân được chẩn đoán chỉ có gần 29% người được điều trị.
Thống kê cho thấy hơn 55% bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm đang ngày một gia tăng và ngày càng trẻ hoá. “Cuộc chiến với các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cũng chả kém gì cuộc chiến với dịch COVID-19”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phố biển trên toàn cầu. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi.
Thế giới hiện có 463 triệu người độ tuổi 20-79 tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2019. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, tương đương 1 người trong 10 người lớn có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, chiếm 46,5%, tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52,1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.