Hà Nội: Thường xuyên cập nhật tình hình biến chủng Omicron để chủ động phòng dịch

(Chinhphu.vn) – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước; tình hình biến chủng Omicron để xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với từng cấp độ của dịch bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống và quá tải hệ thống y tế.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Gia Huy
Tại Hội nghị giao ban công tác quý IV/2021 của UBND TP. Hà Nội sáng nay (29/12), Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, đến nay, Thành phố có 8/30 quận thuộc cấp độ 3 (cam) chiếm 26,7%, gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ; 21/30 quận, huyện thuộc cấp độ 2 (vàng) chiếm 70% và 1 đơn vị thuộc cấp độ 1 (xanh), chiếm 3,3%.

Trong tuần (từ ngày 22/12 đến 28/12), Hà Nội ghi nhận 12.230 ca, trong đó có 4.127 ca cộng đồng, 7.394 ca trong khu cách ly, 696 ca tại khu phong tỏa và 13 ca nhập cảnh.

Tính đến nay, Thành phố đã tiêm được 11.767.691 mũi (không tính của Trung ương), bao gồm cả mũi tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại.

Theo ông Vũ Cao Cương, tình hình dịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh; tỉ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Tại Hội nghị, nhấn mạnh việc Hà Nội đang tiệm cận con số 2.000 ca mắc/ngày, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị cần thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước; tình hình biến chủng Omicron để xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với từng cấp độ của dịch, bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống và quá tải hệ thống y tế.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh thêm: “Vaccine ý thức” là đặc biệt quan trọng. Việc thực hiện nghiêm thông điệp “5K” cũng như ý thức của mỗi người dân là nhân tố quan trọng nhất để bảo vệ chính mình và xã hội.

Để phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, Thành phố đã có Chỉ thị 26 với từng phần việc tới tất cả các đơn vị, Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý thêm: Các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm phải tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; chăm lo tặng quà gia đình chính sách, người lao động khó khăn; làm tốt từng phần việc nhỏ như: Kiểm tra cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, chú ý việc thu gom xử lý rác thải y tế khi thành phố có nhiều trường hợp F0 được cách ly, điều trị tại nhà.

“Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước lãnh đạo Thành phố về các nhiệm vụ trọng điểm. Không được để xảy ra sơ xuất. Bảo đảm mục tiêu phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn”, Chủ tịch UBND Hà Nội đặc biệt nhắc nhở.

Về kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Thành phố đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá trong phòng, chống dịch, Sở Công Thương cũng ban hành các kế hoạch bảo đảm nguồn cung, giao nhiệm vụ cho các hệ thống phân phối bảo đảm hàng hoá dịp lễ, Tết.

Hiện nay, Thành phố đã dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với giá trị 39 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng bình thường; hiện có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng giá trị hàng hoá là 18 tỷ đồng. Sở Công Thương cũng kết nối với 53 tỉnh, thành để đưa hàng hoá về Hà Nội phục vụ thị trường Tết. Ngoài ra, triển khai bán hàng thương mại điện tử; bán hàng tại các chợ truyền thống, các điểm bán hàng OCOP… để phục vụ nhu cầu người dân.

Gia Huy

[TheChamp-FB-Comments language="vi_VN"]

About Thông tin thuốc

Check Also

Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất cả nước với 1.910 ca

(Chinhphu.vn) – Ngày 26/12, Bộ Y tế cho biết, có 15.218 ca mắc COVID-19 tại …