Ai trong chúng ta đều nhận thấy rằng, hiện nay thời tiết biến chuyển vô cùng đột ngột. Một số người còn cảm thấy khó chịu vì da bất ngờ nổi mụn, khô ráp, cùng các triệu chứng hô hấp như ho, nghẹt mũi về đêm,…Tuy nhiên, có một thứ còn đáng sợ hơn, nguy hiểm hơn mà mua đông có thể mang đến cho bạn, đó là nguy cơ về bệnh tim mạch cũng sẽ cao hơn.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ đau tim tăng 30% vào những tháng mùa đông. Ngay cả đối với những người có sức khỏe tổng thể tốt cũng có nguy cơ mắc bệnh. Vậy, nguyên nhân và cách dự phòng các biến cố tim mạch vào mùa đông như thế nào, hãy cùng đọc tiếp nhé!
Hệ tuần hoàn của chúng ta phản ứng như thế nào với mùa đông lạnh giá?
Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến tim và mạch máu theo những cách khách nhau. Hệ tuần hoàn phải trải qua những thay đổi về thể chất để đáp ứng với cái lạnh. Dưới đây là những gì có thể xảy ra với hệ tuần hoàn vào mùa đông:
- Mạch máu bị thu hẹp
Hình 1. Mạch máu bị thu hẹp do các mảng xơ vữa động mạch
Thông thường khi bạn tập thể dục hoặc hoạt động thể chất, các mạch máu sẽ giãn ra để cung cấp cho cơ thể lượng oxy bổ sung cần thiết cho những hoạt động đang thực hiện. Nhưng khi trời lạnh, các mạch máu co lại, khiến máu khó đến tim hơn. Điều này còn nguy hiểm hơn khi bạn có các dấu hiệu của xơ vữa động mạch hay bệnh mỡ máu. Nếu trời lạnh làm co các mạch máu vốn đã bị tắc nghẽn do các mảng xơ vữa, thì khả năng máu về được tim càng khó khăn hơn, điều này có thể dẫn đến một cơn đau tim.
Ngoài ra còn có nghiên cứu cho rằng việc chuyển đổi giữa nhiệt độ bên trong ấm và bên ngoài lạnh một cách đột ngột có thể làm gia tăng các biến chứng tim mạch của bệnh xơ vữa động mạch.
- Tăng huyết áp
Hình 2. Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực do sự tuần hoàn của máu lên các mạnh máu. Thời tiết lạnh làm hẹp các mạch máu, điều này đồng nghĩa với việc tim của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn để tống máu đến nơi cần đến, và tất nhiên, áp lực của máu lên thành mạch cũng tăng lên, đây chính là tăng huyết áp.
Nếu bạn có một thể chất tốt và chỉ số huyết áp bình thường, huyết áp tăng tạm thời có thể không phải là vấn đề lớn. Nhưng nếu bạn là người bị tăng huyết áp, phải cẩn thận vì việc tim tống máu mạnh hơn có thể khiến động mạch bị tắc nghẽn đột ngột, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
- Tăng nhịp tim.
Hình 3. Tăng nhịp tim
Một điều dễ nhận thấy là tim của bạn sẽ đập nhanh hơn trong thời tiết lạnh. Cái lạnh có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn khi nhiệt độ giảm xuống, lúc này tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cho cơ thể và như vậy nó phải tăng tần suất hoạt động. Mặc dù nhịp tim nhanh không phải là dấu hiệu của cơn đau tim hoặc bệnh tim mạch nhưng đó có thể là tín hiệu cho thấy tim bạn đang làm việc nhiều hơn và bạn phải có biện pháp để tim nghỉ ngơi hoặc tăng sức chịu đứng cho nó bằng cách tập luyện nhẹ nhàng.
Lối sống vào mùa đông của bạn có thật sự tốt cho tim mạch?
Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết mọi người chọn nằm ấm trên giường cùng chiếc chăn dày yêu thích thay vì đi dạo trong thời tiết 5,10 độ C. Thêm vào đó, chúng ta lại có xu hướng ăn các thức ăn dầu mỡ, cay nóng, uống rượu ở người lớn với lý do là để làm ấm cho cơ thể. Hmm, có thể nó có tác dụng giữ ấm thật, nhưng thực tế cho thấy, những lựa chọn này không hoàn toàn tốt cho mùa đông, thậm chí là không lành mạnh cho tim mạch.
Sự kết hợp của những hành vi trên hình thành nên một lối sống độc hại cho tim mạch của bạn. Hậu quả là tăng mỡ máu, tăng cholesterol, tăng huyết áp,… đây là lời giải thích thỏa đáng nhất cho những biến cố tim mạch vào mùa đông.
Dự phòng các biến cố tim mạch trong mùa đông.
Tất nhiên, chúng ta đều phải công nhận rằng trời lạnh là khoảng thời gian thích hợp để trùm chăn và tận hưởng cảm giác ấm áp, không cần hoạt động gì, nó thật sự quá đã. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang trực tiếp làm tăng các nguy cơ tim mạch cho bản thân. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn có một thể chất khỏe mạnh và dự phòng các biến cố tim mạch:
- Mặc ấm, nhiều lớp: Nếu bạn đi ra ngoài, hãy mặc quần áo phù hợp với thời tiết và hoạt động bạn đang thực hiện. Mặc quần áo theo lớp cho phép bạn cởi bớt các lớp để phù hợp với mức độ hoạt động của mình. Nếu bạn cảm thấy mình đang đổ mồ hôi, bạn nên cởi bỏ một lớp và nghỉ ngơi để hạ nhiệt.
- Không đột ngột chuyển đổi giữa trạng thái ấm và lạnh: Đã có rất nhiều trường hợp người lớn tuổi hoặc thậm chí là thanh niên khỏe mạnh bỗng nhiên bị đau tim, đột quỵ vào sáng sớm khi bước chân ra khỏi giường. Điều này được giải thích là do cơ thể của bạn không đáp ứng kịp với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường. Trong những trường hợp này, chúng ta phải nằm trên giường lâu hơn một chút, từ từ cởi bỏ chăn và mặc áo ấm để duy trì thân nhiệt, bước xuống giường và đi lại nhẹ nhàng. Ngoài ra, một thói quen cũng dễ gây ra sự chuyển đổi bất thường này là tắm khi tối muộn. Thật ra, tắm buổi tối không phải là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ, mà do nhiệt độ nước là thủ phạm gây ra hậu quả đó. Vào ban đêm, nhiệt độ nước giảm xuống, có thể là rất lạnh đối với một số người. Nếu bạn trực tiếp xối nước lạnh vào phần ngực và phần đầu, gáy cổ, thì nguy cơ tim của bạn ngừng đập là rất cao. Lời khuyên cho chúng ta là tắm nước ấm, tắm từ bàn chân lên từ từ đến bắp đùi, cánh tay, bụng, lưng, ngực và toàn thân. Đây là những kĩ năng cực kì quan trọng mà chúng ta nên biết vào mùa đông để hạn chế tối đa những cơn đau tim do thói quen ở mùa hè gây nên.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Bất kể ai cũng cần phải hoạt động thể lực, ngay cả khi bạn có thân hình cân đối. Hãy bắt đầu với việc tập thể dục nhẹ nhàng ngoài trời lạnh để cơ thể bạn bắt đầu thích nghi với cái lạnh. Một số bài tập nhẹ nhàng như chạy bộ, đi dạo ngoài trời,.. sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Thêm vào đó, hãy nghỉ giải lao một cách hợp lý và giữ nước cho cơ thể. Mất nước khiến cơ thể bạn khó giữ ấm hơn và cũng khiến máu bị cô đặc hơn, tăng nguy cơ tim mạch.
- Đặc biệt cẩn thận khi bạn đã biết mình bị mắc bệnh tim: Bệnh tim mạch và thời tiết lạnh luôn là một cặp đối đầu kinh điển. Việc của bạn là uống thuốc đều đặn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn với các lời khuyên của bác sĩ.
- Hạn chế caffe và rượu: Những đồ uống này có thể làm tăng huyết áp. Trên thực tế, đã có những trường hợp uống rượu vào trời lạnh ban đêm với lý do giữ ấm và sau một đêm đã phải vào bệnh viên cấp cứu.
- Ăn uống lành mạnh cho tim và bỏ thuốc lá: Chọn lựa các thức ăn hạn chế cholesterol, ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, giảm lượng muối và điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý. Đồng thời, nếu bạn đang hút thuốc lá, lời khuyên chân thành là nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt vì thuốc lá làm tăng huyết áp và các bệnh xơ vữa động mạch.
Điều cuối cùng – Biết được các dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Dấu hiệu đặc trưng cho các bệnh tim mạch vào mùa đông là đau ngực. Đau ngực thường được mô tả là tức ngực, nặng nề, nóng rát,.. có thể lan đến hàm, cổ, cánh tay, sau ngực hoặc vùng trên trung tâm dạ dày. Khó thở, đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, choáng váng và buồn môn là những triệu chứng phổ biến khác.
Nếu bạn đang ở ngoài trời lạnh hoặc tham gia các hoạt động thể chất quá mức, hãy dừng lại và nghỉ ngơi ngay lập tức nếu xuất hiện bất kì triệu chứng nào ở trên.
Phải làm gì khi biết mình bị đau tim:
- Gọi ngay vào số 115 để cấp cứu kịp thời.
- Nhai một viên aspirin liều thấp – điều này giúp máu của bạn không bị đông lại.
- Giữ điện thoại với người thân hoặc bác sĩ của bạn. Đừng cố tự lái xe đến bệnh viên.